Nguyễn Ngọc Thanh
"Con người là một tiểu vũ trụ, nó không có giới hạn"
Chào các bạn! Tôi là Nguyễn Ngọc Thanh, một cầu thủ với 16 năm thi đấu chuyên nghiệp, có 5 chức VĐQG, 2 Cúp QG và 1 Siêu Cúp QG trong màu áo Quảng Ngãi, Cảng Sài Gòn và Gạch ĐTLA.
Tôi muốn kể câu chuyện về bản thân để các bạn có cái nhìn rõ hơn về những gì tôi đã trải qua, những bài học cũng như lý do tôi bắt đầu lại với bóng đá sau hơn 10 năm tưởng chừng như đã lãng quên. Tôi kể lại quá khứ không chỉ hy vọng truyền cảm hứng cho những người đang có bệnh hiểm nghèo và những vận động viên, mà còn phác hoạ nên bức tranh của tương lai, một tương lai mà ở đó, mỗi người đều có thể khám phá ra tiềm năng vô hạn của bản thân mình.
Từ khi sinh ra tôi là là một đứa trẻ luôn ốm yếu, nhiều bệnh vặt như hen suyễn, thường xuyên bị cảm lạnh và hay trúng gió. Ngay cả khi bắt đầu là một cầu thủ chuyên nghiệp vào năm 18 tuổi, cơ thể của tôi vẫn còn khá gầy gò, khi đó tôi chỉ nặng khoảng 53kg. Một ông anh họ sau khi đi xem tôi thi đấu về, nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Nhìn mày chạy trên sân giống như một con mèo ướt vậy”.
Trong màu áo Quảng Ngãi 1991, giống như một con mèo ướt.
Hai năm sau, khi gia nhập đội bóng Cảng Sài Gòn và bắt đầu tập luyện bài bản và dinh dưỡng cũng đầy đủ hơn. Tuy nhiên, khả năng miễn dịch của tôi vẫn không được cải thiện được nhiều và tôi luôn bị những căn bệnh như cảm mạo, viêm xoang, viêm họng hạt và viêm phế quản mãn tính viếng thăm thường xuyên. Lúc đó thầy Tam Lang thường hay than vãn khi tôi bỏ lỡ nhiều trận đấu vì đau ốm hoặc chấn thương: “Thời gian em ốm và nghỉ thi đấu còn nhiều hơn cả đội cộng lại”. Đúng là suốt muời 16 năm chơi bóng đá chuyên nghiệp, thời gian tôi nghỉ thi đấu vì đau ốm và chấn thương nhiều hơn thời gian được ra sân. Bản thân tôi cũng không hiẻu tại sao mình lại có thể ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp lâu với thể trạng như vậy.
Trong màu áo CSG (số 9) ở Cúp C1 Châu Á với CLB Shimizu S-Pulse (Nhật Bản)
Cơ hội lớn nhất là năm 1997 khi tôi được triệu tập vào đội dự tuyển chuẩn bị cho Seagame 19 nhưng đó cũng là lúc tôi bị chấn thương đầu gối nghiêm trọng. Điều đó đã tước đi cơ hội được coi là lớn nhất trong đời cầu thủ của tôi. Thời đó, việc điều trị chấn thương do tự mình là chính, không có nhiều cơ hội chữa trị với các bác sĩ chuyên khoa thể thao như bây giờ. Nên khoảng thời gian gần 10 năm chơi bóng còn lại của tôi là vật lộn với chấn thương đầu gối tái phát hơn 10 lần. Cái đầu gối nó “tan nát” đến mức nó có thể bị “trật đường ray” bất cứ lúc nào, như khi đáp đất sau một cú dậm nhảy hay đang chạy tốc độ và dừng đột ngột. Sau 2 năm cuối cùng chơi cho GĐTLA, tôi phải phẫu thuật dây chằng gối và không thể tiếp tục thi đấu được nữa khi đôi chân không còn nghe theo cái đầu nữa.
Với Gạch ĐTLA (số 14) trong trận găp Thân Hoa Thượng Hải ở cúp C1 Châu Á
Khi đó, HLV của tôi là ông Calisto đã nhiều lần đề nghị tôi làm trợ lý cho ông ấy và đó là một cơ hội lớn cho bất cứ cầu thủ nào mong ước theo nghề HLV sau khi giải nghệ. Nhưng cuối cùng, tôi lại từ chối cơ hội này vì thấy tính cách của mình không hợp với nghề HLV khi nó đòi hỏi nhiều tố chất mà tôi thấy mình còn thiếu.
Sau đó, tôi về quê ở Quảng Ngãi bắt đầu công việc kinh doanh với nhiều lĩnh vực khác nhau trong hơn 10 năm. Trong thời gian này gần như tôi không tham gia vào các hoạt động bóng đá nữa.
Năm 2013, vì hệ hô hấp yếu và thường xuyên làm việc trong môi trường khá ô nhiễm là sửa chữa tàu biển nên tôi bị K phổi và phải phẫu thuật cắt đi một phần phổi phải. Sau đó là khoảng thời gian dài chống chọi với sức khoẻ ngày càng đi xuống. Những năm sau đó, tôi thường xuyên có những triệu chứng giống như khi mới phát hiện ra bệnh như tức ngực, ho ra máu kéo dài khiến tôi luôn bị ám ảnh về khả năng bệnh lại tái phát. Đây cũng là thời điểm tôi tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh để tập trung vào điều trị, giữ gìn sức khoẻ và chăm sóc con nhỏ.
Việc đi lại giữa Quảng Ngãi -SG, sau này là Quảng Ngãi - Đà Nẵng để kiểm tra diễn ra ngày càng thường xuyên. Khi mới phẫu thuật thì định kỳ 3-6 tháng, nhưng sau này thì khi có các triệu chứng như trên tôi mới đi tái khám. Lần cuối cùng tôi đi khám khi có các triệu chứng như trên và uống rất nhiều thuốc nhưng hơn nửa tháng vẫn không khỏi.
Lúc đó, tôi mới tìm đến Diện Chẩn, phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc mà tôi có tiếp cận trước đây, và chỉ sau một tuần ứng dụng, các triệu chứng của bệnh dần biến mất. Từ đó tôi tìm hiểu sâu hơn về Diện Chẩn và phương pháp này giúp tôi và cả con cái không còn dùng đến thuốc cho đến bây giờ. Đó cũng là lúc tôi biết đến khái niệm cơ thể tự chữa lành nếu như chúng ta hiểu rõ cơ thể mình và kích hoạt đúng cách.
Bản thân tôi là người sống khá khép kín, hay tự ti, mặc cảm do có niềm tin giới hạn về bản thân mình. Đó là lý do sau khi giải nghệ, tôi đã về lại quê hương Quảng Ngãi với mong muốn một cuộc sống an phận, không thích bon chen. Nhưng từ khi tham gia các khoá học dạy con và thông qua những đứa trẻ tôi mới biết tiềm năng của con người là vô hạn và bắt đầu cảm thấy tiếc nuối nếu sống một đời mà chỉ sử dụng một phần nhỏ những gì mà cơ thể và tâm trí này có thể đạt được.
Khi đứa con thứ 3 ra đời cách đây hơn 4 năm, ẵm nó trên tay khoảng 5 phút thì 2 cánh tay tôi đau rã rời và buộc phải thả nó xuống, dù khi đó nó nặng chỉ khoảng 5-6kg. Đó là hậu quả của chấn thương vai khá nặng khi còn thi đấu. Lúc đó tôi mới ra cho mình một quyết định: Tôi phải khoẻ mạnh trước khi những đứa con của mình trưởng thành.
Và kết quả là, chỉ sau 6 tháng, tôi có thể tung hứng cùng lúc cả 2 thằng con trai trên đôi tay của mình. Đồng thời các chấn thương nặng và dai dẳng theo tôi hơn 20 năm như gãy mắc cá chân, đầu gối cũng dần phục hồi một cách đáng kinh ngạc, dù trước đây tôi cũng đã cố gắng tập vật lý trị liệu để phục hồi nhưng gần như không cải thiện bao nhiêu và cứ tưởng là mình phải sống với những chấn thương đó suốt đời. Đây cũng chính là sức mạnh của niềm tin (sức mạnh của tâm trí) giúp tôi ra quyết định và thành công với quyết định đó. Và đó là những thử nghiệm đầu tiên để ra đời phương pháp Tập Luyện Thể Thao Tâm Thức như bây giờ.
Cầu thủ lớn tuổi suất sắc nhất ở giải đấu quốc tế gồm 5 nước
Ngày xưa còn nhỏ, kiếm được quả bóng nhựa cũng là điều không dễ, chúng tôi phải dùng lá chuối để gói những quả bóng để đá. Một quả bóng đẹp là phải tròn, độ cứng phải đều, dây gói bằng cọng chuối phải được bện chắc chắn, dẻo dai. Một lần gói là phải chăm chút tỉ mỉ, lần sau phải đẹp hơn lần trước. Mỗi lần hoàn thành là ngắm nghía, chiêm ngưỡng "tác phẩm nghệ thuật" của mình rồi đem khoe với mấy nhóc hàng xóm, rồi rủ nhau ra sân. Bây giờ nghĩ lại, cũng chẳng nhớ tại sao hồi đó mình gói bóng đẹp dữ?
Tuổi thiếu niên của tôi trôi qua như vậy, suốt ngày banh gói, chân đất, lang thang những tới những gò, những bãi đất trống, không thầy dạy bóng đá, không biết tập cơ bản là gì, chỉ chơi theo bản năng.
Lần đầu tiên tôi được xỏ đôi giày đá bóng cũng là lúc tôi được vào đội A2 (tương đương hạng Nhất bây giờ) tỉnh Quảng Ngãi mà không được trang bị bất kỳ kỹ năng cơ bản nào, kể cả thời gian 2 năm thi đấu sau đó. Sau khi vào CSG, may mắn là tôi mới được các thầy, các anh hướng dẫn những bài tập cơ bản đầu tiên. Nhưng thói quen chơi theo bản năng đã ăn sâu vào máu và tôi đã chơi bóng theo cách đó trong suốt sự nghiệp của mình. Những gì gọi là tư duy tôi học được cũng chỉ là những mẹo hay những tiểu xảo từ đồng nghiệp cũng như các đàn anh mà thôi. Chính những thiếu thốn đó đã giúp tôi nhìn rõ được chặng đường mình đã đi qua và khát khao tìm kiếm, trải nghiệm và sáng tạo ra những điều mới mẻ với mong muốn đúc kết tư duy thành một hệ thống có thể ứng dụng đơn giản.
Trong màu áo Gạch ĐTLA vô địch QG và cúp QG mùa giải 2004 - 2005
Bản thân tôi sau vài năm vừa học tập, nghiên cứu vừa làm chuột bạch để thực hành thí nghiệm, tôi tin rằng, nếu được rèn luyện tư duy đúng đắn, tận dụng được những nguồn lực có sẵn mà bao lâu nay chúng ta đã lãng phí, đặc biệt là sức mạnh của tâm trí, thì hiệu quả việc tập luyện sẽ nâng lên nhiều lần.
Đây là một hành trình trải nghiệm mất nhiều thời gian, nhiều khó khăn và cả những nỗi đau, nỗi cô đơn vì không ai hiểu mình, nhưng cũng vô cùng thú vị và đầy cảm hứng. Bây giờ, ở tuổi hơn 53, tôi có thể ra sân chơi bóng đá sân 11 trong 90 phút với các bạn trẻ đáng tuổi con cháu mình với với cường độ rất cao mà vẫn ăn ngon, ngủ ngon và vài năm trở lại đây và hầu như không bị chấn thương. Điều khác biệt ở đây là tất cả các bài tập đều rất đơn giản, vừa sức nhưng hiệu quả đem lại là rất tuyệt vời, ngoài những gì mà tôi có thể tưởng tượng.
Bây giờ, khi ra sân chơi bóng, tôi khi hề có ý niệm nào về tuổi tác mà chỉ cảm thấy cơ thể mình hoàn toàn trẻ trung, tươi mới và tôi biết mình còn nhiều dư địa để khoẻ hơn nữa. Thực chất, bản thân tôi không phải cố gắng để trẻ lại mà chỉ quay lại lượm lặt lại những gì mình đã đánh rơi suốt chặng đường 50 năm của cuộc đời vì lối sống sai lầm, với những suy nghĩ, thói quen không tốt và đi ngược với quy luật tự nhiên quá nhiều.
Nếu ai biết rằng tôi bắt đầu "đại tu" lại cơ thể mình từ “một đống đổ nát” với những “nguyên “vật liệu cũ kỹ, kém chất lượng” như nền tảng sức khoẻ kém từ nhỏ, những chấn thương nặng theo mình suốt 20-30 năm, với cả bệnh tật hiểm nghèo và gần như lãng quên bóng đá hơn 10 năm thì việc mình chơi bóng như vậy ở tuổi này là một kỳ tích. Nhưng khi các bạn tin rằng, cơ thể và tâm trí này là một tiểu vũ trụ với tiềm năng vô hạn, thì điều đó là điều bình thường. Từ những việc giúp cơ thể trẻ trung hơn, tự chữa lành và ngăn ngừa những bệnh tật, chấn thương, tôi còn khám phá khả năng phi thường của con người thông qua việc chơi thể thao. Và tôi tin mình vẫn đang trên con đường khám phá thêm những điều kỳ diệu khác ở bên trong mình.
Tất cả những khám phá trên đây của tôi xuất phát từ những gì tôi thiếu trong cuộc đời cũng như trong nghề nghiệp của tôi, từ niềm tin giới hạn, sức khoẻ, tư duy, kỹ năng cơ bản cũng như bản lĩnh thi đấu … Các bạn trẻ bây giờ nếu có được những bài học này, họ sẽ phát triển không thể hình dung được.
Nếu phải tiếc nuối điều gì, thì đó không phải là những cơ hội lên tuyển bị bỏ lỡ, hay cơ hội được học tập và rèn luyện để trở thành một HLV chuyên nghiệp, mà là tôi đã không được trang bị những tư duy này khi còn trẻ, vì đó là nguyên nhân gốc rễ của những chấn thương, phong độ trồi, sụt thất thường và một đời cầu thủ làng nhàng.
Ngọc Thanh, ở tuổi 53, vẫn giữ được sự nhanh nhẹn và linh hoạt.
Hành trình này cũng là cách để đưa mình vào con đường học hỏi, không ngừng rèn luyện phát triển bản thân, tạo lập được nhiều giá trị hơn để trao đi, vì mình “chỉ có thể trao đi những gì mình có” mà thôi.
Có một câu mà tôi luôn tâm đắc, đó là “một cái cây không thể vươn tới thiên đàng nếu rễ của nó chưa chạm đến địa ngục”. Tôi biết ơn những bài học từ nghịch cảnh, vì nếu không có những trở ngại, khó khăn hay những biến cố lớn trong cuộc đời thì tôi không thể có được như ngày hôm nay. Nhưng tôi nghĩ, với thế hệ trẻ, họ không cần phải trải qua những nghịch cảnh, vấp ngã hay phải trả giá quá đắt để trưởng thành, mà điều chúng cần là những bài học để trưởng thành.
Với mong muốn đem những giá trị này đến cho thế trẻ, tôi thành lập Viện Thể Thao Tâm Thức giúp tiếp cận hàng triệu trẻ em đam mê thể thao giúp họ chuyển hoá trong nhận thức, tư duy, năng lực và nhân cách để họ có thể phát huy tiềm năng trong bất kỳ lĩnh vực nào trong tương lai.
Tôi cũng tạo ra Hành Trình Xây Bóng Đá Từ Gốc cho những ai khao khát sống khác đi, tập luyện khác đi và muốn bóng đá là cánh cửa dẫn bạn đến phiên bản tốt nhất của chính mình, thì dù cho bạn là ai, ở bất kỳ độ tuổi nào thì đây chính là bước khởi đầu cho bạn. Tìm hiểu thêm về hành trình này Tại đây